Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

Xây thương hiệu quốc gia bằng nông sản?

Nông sản là một thế mạnh của Việt Nam.
Đâu là các yếu tố quan trọng để xây dựng một thương hiệu quốc gia thành công, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thương hiệu cho quốc gia mình?
Băn khoăn này đã được giải tỏa, bởi những chia sẻ của giáo sư John Quelch, Phó Hiệu trưởng Trường kinh doanh Harvard, trong buổi hội thảo quốc tế vừa được tổ chức tại TP.HCM (21 - 22/02/2008) với chủ đề chính là “Nâng tầm thương hiệu Việt”. Khoảng hơn 300 doanh nhân đã tham dự cuộc hội thảo. Xây dựng thương hiệu quốc gia là một quá trình phức tạp được hoạch định chiến lược ở tầm vỹ mô và không dễ thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng có những quy tắc chung bắt đầu từ việc định vị thương hiệu quốc gia, xác định sản phẩm, dịch vụ chủ đạo của quốc gia đó, truyền thông thương hiệu nhất quán ở nội địa và quốc tế. Định vị thương hiệu quốc gia thật đúng và khác biệt, truyền thông nhất quán, tập trung là những yếu tố quan trọng giúp xây dựng thương hiệu quốc gia thành công. Thương hiệu mang tính độc đáo, văn hoá Mỗi quốc gia có một thế mạnh riêng, một nền văn hóa riêng, những kỳ quan thiên nhiên hay những đặc điểm thương hiệu rất riêng. Do vậy, mỗi quốc gia sẽ chọn cho mình những định vị riêng cho thương hiệu quốc gia mình để hoàn toàn khác biệt với quốc gia khác. Thương hiệu Việt Nam cũng vậy, chúng ta cần phải tìm được điểm độc đáo riêng để định vị cho thương hiệu của mình. Một địa điểm mới, một nền văn hóa đa dạng với sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa Trung Hoa, Pháp, Mỹ, một môi trường đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận cho những nhà khai phá, tất cả những điểm mạnh đó cần được nghiên cứu để có định vị cho thương hiệu Việt Nam. Singapore là một đất nước nhỏ, họ định vị mình là một quốc gia rất độc đáo ở châu Á với những lợi thế về văn hóa và môi trường kinh doanh tự do, lành mạnh. Họ định vị mình là Unique Singapore (Độc đáo Singapore). Malaysia, một châu Á thực sự (Truly Asia) là định vị thương hiệu mà Malaysia muốn khách du lịch, nhà đầu tư nghĩ về họ. Amazing Thailand là một định vị mà Thailand muốn khách du lịch cảm nhận được khi họ tới đây. Còn thương hiệu quốc gia Việt Nam được định vị là gì? Từ “Điểm đến của thiên niên kỷ mới” tới “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, liệu định vị thương hiệu quốc gia đã thực sự khác biệt và truyền tải đúng lợi thế của Việt Nam? Mỗi quốc gia cũng có một sản phẩm hay dịch vụ chủ đạo làm đại diện cho quốc gia mình. Nhật Bản có các hãng xe hơi, công nghệ cao, Thái Lan được biết đến với ngành du lịch; Pháp với sản phẩm rượu vang, thời trang và mỹ phẩm. Mỹ với những sản phẩm công nghệ cao hay những trang web trực tuyến nổi tiếng toàn thế giới như Yahoo, Google. Italy với các sản phẩm thời trang với những thiết kế tuyệt đẹp. Vậy sản phẩm chủ đạo của Việt Nam là gì? Cà phê chăng? Gạo hay thủy sản, hay du lịch? Hãy nghĩ đơn giản khi chúng ta tới ăn ở một nhà hàng, mỗi nhà hàng cũng có những món chủ đạo mà ta nghĩ tới trước khi chọn nhà hàng đó. Vậy xuất thân từ một đất nước nông nghiệp, với sản lượng cà phê, gạo, hạt điều đều đứng hàng top 3 trên thế giới, Việt Nam nên định vị thương hiệu quốc gia mình với những sản phẩm nông nghiệp chủ đạo đó. Dù thế giới có phát triển đến đâu, nhưng nhu cầu từ các sản phẩm nông nghiệp là không thể thay thế. Được định vị là kho lương thực của cả thế giới thì thương hiệu Việt Nam cũng đã có chỗ đứng vững chắc và hoàn toàn có thể cạnh tranh trên toàn cầu.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, 27/02/2008

Kiểm soát dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật – Con đường bền vững cho xuất khẩu nông sản tại Việt Nam


Thuốc BVTV được sản xuất tại Công ty TNHH Việt Thắng (khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng). (Ảnh: Kinh tế nông thôn)
ThienNhien.Net - An toàn thực phẩm và kiểm soát dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong nông sản xuất khẩu là điểm mấu chốt trên con đường hội nhập vào thị trường nông sản thế giới của nông nghiệp Việt Nam. Bài viết dưới đây bước đầu đi vào tìm hiể u một số bất cập và hướng đi trong vấn đề mối quan hệ giữa xuất khẩu nông sản và thực trạng sử dụng HCBVTV tại Việt Nam.
Từ những khó khăn về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của thị trường nông sản trong nước Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển một nền nông nghiệp với nhiều thành tựu cao. Đây cũng là nền tảng để tạo đà cho xuất khẩu. Nhận thức rõ vấn đề này, từ năm 1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 – 2010” và, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt để triển khai thực hiện. Sau đó, năm 2000 Bộ Thương Mại cũng xây dựng Đề án “Phát triển xuất khẩu rau, quả đến năm 2010” nhằm xác định hướng cụ thể các mặt hàng, thị trường và một số giải pháp về chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu rau, quả Việt Nam đến năm 2010. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản của nước ta hiện gặp phải một số khó khăn, nổi cộm trong đó vấn đề an toàn thực phẩm, tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật đang tập trung sự quan tâm các cơ quan chức năng và đông đảo dư luận trong xã hội. Thực tế, khối lượng thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm sử dụng không ngừng tăng lên khoảng 20.300 tấn năm 1991, 30.000 tấn năm 1994, hiện dao động trong khoảng 35.000 – 42.000 tấn (Số liệu của Viện Bảo vệ Thực vật – Bộ Nnông nghiệp & PTNT). Một thống kê khác của Bộ Y tế cho biết, từ năm 1999 đến tháng 8/2004, trên toàn quốc đã xảy ra 1.245 vụ ngộ độc thực phầm với số bệnh nhân 28.014 người, trong đó 333 trường hợp tử vong. Phân tích nguyên nhân xảy ra ngộ độc trong thời gian trên cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản là ngộ độc hoá chất (11-25%). Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), số mẫu rau, quả tươi có dư lượng HCBVTV chiếm từ 30-60%, trong đó số mẫu rau, quả có dư lượng HCBVTV vượt quá giới hạn cho phép chiếm từ 4-16%. Số mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng Asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm từ 22-33%, số mẫu rau có hàm lượng Nitơrat (NO3) cao ở mức báo động (100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai có dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép); một số HCBVTV bị cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau. Đến khó khăn trên con đường xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế Theo Tổ chức lương nông LHQ (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6%/ năm, nhưng mức cung ứng của Việt Nam tăng chậm, khoảng 2,8%/ năm. Việc gia nhập WTO sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn để Việt Nam thâm nhập vào thị trường nông sản thế giới. Rau hoa quả, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, là mặt hàng nông sản lớn nhất của sân chơi WTO, trị giá gần 103 tỉ USD. Thị trường về lúa gạo, cà phê, cao su nhỏ hơn; mỗi thứ không quá 10 tỉ đô la Mỹ/năm. Các loại nông sản khác như chè, điều và hồ tiêu thì lại càng nhỏ; trên dưới 3 tỉ đô la Mỹ/năm. Đi kèm với những thuận lợi nói trên, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Một trong những lý do quan trọng là việc Việt Nam chưa kiểm soát được tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm xuất khẩu. Đây thực sự là một trở ngại to lớn. Trong nhiều năm qua thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam giảm mạnh. Nếu năm 2001, Việt Nam xuất khẩu nông sản xuất khẩu đến 42 nước và vùng lãnh thổ, thì năm 2004, chỉ còn lại 39 và năm 2005 còn lại 36. Là một cường quốc về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến 90% nông sản Việt Nam phải “khoác áo” thương hiệu nước ngoài mới thâm nhập đến được vào một số thị trường khó tính như Mĩ, Nhật Bản, Tây Âu. Chưa nói đến nguyên nhân do thiếu chiến lược thương hiệu, chất lượng sản phẩm không đảm bảo cũng đã đủ để khiến nông sản Việt Nam phải đi đường vòng. Trong nông sản, trái cây là một lợi thế của Việt Nam. Với điều kiện nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng sản xuất một lượng trái cây dồi dào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng trái cây xuất khẩu có xu hướng giảm xuống. Điển hình như thị trường Trung Quốc, số lượng trái cây Việt Nam đã giảm từ 140 triệu kim ngạch vào năm 2001, xuống còn khoảng 20 triệu USD vào thời điểm hiện tại. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nông sản Việt Nam, đặc biệt là do việc kiểm soát dư lượng HCBVTV. Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chu trình GAP (Good Agricultural Practices) – Nông nghiệp an toàn, chưa được thực hiện nghiêm ngặt. Năm 2003, kết quả kiểm tra trên 70 mẫu mật ong xuất khẩu sang thị trường châu Âu của EU cho thấy, hàm lượng Streptomycine trong các mẫu sản phẩm này cao hơn 2,5 lần ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi đó khi kiểm tra ở Việt Nam không hề phát hiện được Thêm nữa, trong thời gian gần đây, một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Nga, Mỹ…áp dụng chính sách nghiêm ngặt hơn với vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn về dư lượng HCBVTV. Theo thông báo của Nhật – thị trường khá lớn của rau quả Việt Nam với khoảng 16 triệu USD, từ năm 2005, chính phủ Nhật sẽ áp dụng quy định mức giới hạn tối đa hoá chất (MRL) đối với thực phẩm nhập khẩu. Mức áp dụng này sẽ tập trung vào dư lượng thuốc trừ sâu (Tolfenpyrad) và thuốc diệt nấm (Cyazofamid). Nếu các thực phẩm nhập khẩu vi phạm quy định mới về MRL sẽ bị cấm đưa vào Nhật. Tại Mỹ, cùng với yêu cầu về nông sản “sạch” (nông sản hữu cơ), Bộ nông nghiệp Mỹ còn đưa ra định nghĩa mang tính ràng buộc nhà sản xuất nông sản “sạch”, được hiểu là “Canh tác hữu cơ là một hệ thống sản xuất cố gắng tránh hết sức việc sử dụng phân bón hoá chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng và các chất phụ gia vật nuôi, để có thể tối đa hoá việc mở rộng phạm vi, hệ thống sản xuất – tiêu thụ sản phẩm”. Một ví dụ khác, ruồi đục quả (fruit fly) là một loại dịch hại cây trồng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây lại là đối tượng kiểm dịch của các nước có nhu cầu lớn về trái cây nhiệt đới như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Hàn Quốc..., nhằm kiểm soát tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất trái cây. Các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng việc hoặc đòi hỏi trái cây tươi phải được xử lý diệt ruồi đục quả bằng công nghệ hiện đại, hoặc muốn xuất khẩu trái cây tươi sang các nước phát triển phải ký kết Hiệp định về kiểm dịch thực vật. Trong khi biện pháp diệt trừ ruồi dục quả trong sản xuất trái cây của nhà vườn trên cả nước lại chưa triệt để và không đồng bộ ở các địa phương. Nguyên nhân chính là do nhà vườn thiếu vốn, tư duy sản xuất nhỏ còn phổ biến ở nhiều nơi, hơn nữa công tác khuyến nông trong vấn đề này lại chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam đã vấp phải những “phản ứng không tốt” trên thị trường quốc tế, do tình trạng dư lượng HCBVTV. Từ ngày 04/12/2006, Cơ quan kiểm dịch nông nghiệp Nga đã lệnh tạm ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu gạo vào thị trường này, trong đó có gạo Việt Nam. Nguyên nhân chính là do nước này cho rằng chất lượng gạo của Việt Nam không đảm bảo, còn tồn dư chất diệt cỏ Clorpiriphos gây hại cho sức khoẻ con người. Đây là một thiệt hại lớn. Trong năm 2006, tổng số gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nga là 63.000, với kim ngạch 18 triệu USD. Một hướng giải quyết cho bài toán xuất khẩu nông sản Việt Nam Hiện nay, việc kiểm tra dư lượng HCBVTV là một quá trình phức tạp, tốn kém nhưng thực sự cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng. Thị trường nước ngoài khắt khe đối với việc sử dụng thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Thêm nữa, không có chu trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices), trái cây và rau quả Việt Nam không những tiếp tục bị sa sút trong xuất khẩu mà còn gặp khó khăn ngay ở thị trường trong nước vì không thể cạnh tranh với hàng ngoại. Việc xây dựng và thực hiện GAP thực sự cần thiết. Mặt khác, để có thể cạnh tranh trong nước và thâm nhập vào thị trường thế giới, nông sản Việt Nam phải đảm bảo được những tiêu chuẩn của quốc tế về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đạt được chuẩn về hàm lượng HCBVTV cho phép. Việc niêm yết cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường quản lý nhà nước về thuốc trừ sâu, cũng như tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân về thiệt hại do thuốc trừ sâu gây ra…là những việc cần làm tích cực, thường xuyên. Một cách tiếp cận tốt hơn đến thị trường nông sản thế giới là việc Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về nông sản và thực phẩm, như IPPC,OIE, CODEX, GMP... Thiết nghĩ, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP là một hướng đi bền vững trong nông nghiệp, giúp Việt Nam có được vị trí ổn định, vững chắc trên thị trường quốc tế.
Thuý Hằng tổng hợp

Mua nông sản “hàng hiệu”

Chính thức hoạt động từ ngày 6/9/2007, VGfood (VietGreenfood) - thuộc Công ty TNHH Đất Sạch - được xem là mô hình đầu tiên của cả nước bày bán các sản phẩm, thực phẩm nông nghiệp chất lượng cao...
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất ở VGfood là sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, uy tín, được sản xuất và nuôi trồng phù hợp với nhu cầu thị trường theo định hướng “sạch, an toàn cho sức khỏe”. Các sản phẩm tại đây là những nông sản chọn lọc từ mọi miền đất nước của những nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo quy trình Eurep GAP (về nguồn gốc đất trồng, nguồn nước tưới tiêu, nguồn giống, quy trình chăm sóc, khâu vận chuyển, bảo quản...), có chữ ký xác nhận và cam kết về chất lượng và tính an toàn cao của chính người trồng. Có thể kể ra một số thương hiệu tiêu biểu: bưởi năm roi Hoàng Gia, bưởi da xanh Hai Hoa, bưởi Tân Triều, thanh long Hoàng Hậu, sầu riêng Cái Mơn, dừa dứa Tám Thưởng, dừa sáp Trà Vinh... Hầu hết các loại rau sạch đều là hàng Đà Lạt, thương hiệu Organik.
Các loại rau sạch được trưng bày và bán tại đây được trồng trên đất sạch trong nhà kính, phương thức trồng này đã cách ly được các yếu tố gây bất lợi cho cây như: côn trùng, các loại bệnh gây hại. Người trồng rau không sử dụng các loại thuốc cấm trong danh mục, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có kiểm soát theo tiêu chuẩn sản xuất rau sạch. Ngoài ra, tại đây còn có các sản phẩm thịt heo, bò, gà sạch thương hiệu Sagorifood của Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn; các loại tinh dầu bưởi, mụn xơ dừa dùng trong trồng trọt...
Theo ông Trần Nguyên Hưng - trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Đất Sạch - cho biết: “Có thể sản phẩm không đẹp nhưng chất lượng và độ an toàn thì sẽ được đảm bảo”.
VGfood còn có thế mạnh riêng, đó là những mặt hàng còn hiếm thấy ở các chợ: củ dền baby ruột vàng, củ cải trắng baby (nhỏ như trái chanh); cà tím baby, cà rốt baby (cỡ ngón tay cái người lớn); ớt Đà Lạt màu vàng, đỏ v.v... Sắp tới đây, để phong phú và đa dạng thêm nguồn hàng, VGfood bổ sung những mặt hàng “độc”: đậu Hòa Lan tím; bông cải vàng, tím, xanh non; củ cải 2 màu trắng đỏ; bí Scallop xanh, ngà, cẩm thạch, vàng; bí Squash baby vàng...
Nhằm tăng tính cạnh tranh và để thuận tiện hơn cho khách hàng, cửa hàng mở cửa từ 6 giờ sáng. Đến nay cửa hàng đã thu hút khá đông khách, trong đó hơn 90% là khách trong nước.
Địa chỉ: 176 Hai Bà Trưng, P. Đakao, Q.1, TP.HCM, ĐT: 8231678 - 8237779; Fax: 8238745.

VietGAP cho nông sản

Ông Nguyễn Văn Kỳ, trước đây là lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam và giờ đây là Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit). Trong nhiều hội nghị, hội thảo liên quan tới trái cây, với kinh nghiệm bán trái cây ra thế giới trong hàng chục năm, ông hay nói tới bốn yếu tố cần có: số lượng lớn, ngon, rẻ và phải sạch. Còn bây giờ, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng ở Viện Nghiên cứu rau quả Gosford của Bộ Nông nghiệp bang New South Wales của Úc cho rằng bốn yếu tố mà ông Kỳ hay nói cũng chính là bốn thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập Tổ chúc Thương mại Thế giới (*).

Thách thức
Tiến sĩ Vọng lấy ví dụ từ kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam nhiều năm qua, để khẳng định rằng các nhà xuất khẩu trái cây của Việt Nam cứ xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, thích hàng rẻ, chất lượng thấp là sai lầm. Từ thị trường xuất khẩu trái cây với 142 triệu đô la Mỹ vào năm 2001, sau đó giảm dần và tới năm 2005, Việt Nam chỉ xuất khẩu có 35 triệu đô la Mỹ trái cây sang Trung Quốc. Sở dĩ kim ngạch giảm do nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Vọng, cái quan trọng là thị trường Trung Quốc bây giờ thích hàng hiệu, mẫu mã đẹp, chất lượng cao và nhất là an toàn vệ sinh.

Là thành viên WTO, nông nghiệp Việt Nam, theo TS. Vọng, đang đứng trước bốn thách thức lớn. Đó là xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices) để cho ra nông sản sạch, hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất; hai là tập trung sản xuất hàng hóa lớn; ba là đảm bảo chất lượng cao và bổ dưỡng; và bốn là giá rẻ để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. TS. Vọng cho rằng GAP là chiếc chìa khóa thành công cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, bởi sản xuất theo quy trình GAP đã là hội tụ đủ ba thách thức còn lại.

Trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, rau hoa quả là mặt hàng lớn nhất của sân chơi WTO với thị trường tiêu thụ thế giới khoảng 103 tỉ đô la Mỹ hàng năm nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm 0,2% thị phần, một tỷ lệ quá nhỏ bé. Thị trường lúa gạo, cà phê, cao su nhỏ hơn với mỗi mặt hàng không quá 10 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam đang chiếm 10-15% thị phần. Các loại nông sản khác như hạt điều, hồ tiêu càng nhỏ hơn. Nghịch lý ở chỗ, 74% diện tích canh tác và gần như phần lớn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào nông nghiệp chỉ để cho cây lúa, trong khi trái cây có thị trường rộng gấp 10 lần hạt gạo thì ít được đầu tư, diện tích chỉ chiếm chưa tới 15%, điều này đồng nghĩa nông nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là độc canh cây lúa.

Cần có VietGAP
Bốn thách thức mà TS. Vọng đã nói, ví như bốn luật chơi trên thị trường thế giới, trong đó ông nhấn mạnh tới “luật chơi về an toàn thực phẩm”. Nông sản phải có chứng chỉ “nông nghiệp an toàn”, hay “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” để chứng minh với nhà nhập khẩu và người tiêu dùng thế giới rằng hàng hóa của nông dân Việt Nam luôn “an toàn, vệ sinh”. Thực ra, nông dân trong nước đã vướng phải luật chơi này từ nhiều năm qua với các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. Đó là chuyện dư lượng kháng sinh trong thủy sản khi xuất khẩu vào EU diễn ra cách nay vài năm, giờ đây là Nhật Bản phải kiểm tra 100% lô hàng tôm sú đông lạnh của Việt Nam xuất vào nước này do phát hiện có dư lượng hóa chất, hay mới đây nhất, Úc tuyên bố sẽ kiểm tra nghiêm ngặt dịch bệnh trên tôm ở các nước xuất khẩu tôm nuôi vào thị trường này. Cốt lõi của những rắc rối trên đều xuất phát từ sản xuất chưa an toàn, manh mún, dùng nhiều hóa chất.

GAP thực ra không phải là khái niệm mới với các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam. Có thể hiểu đơn giản GAP là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A tới Z của cả quy trình sản xuất, bắt đầu từ khâu giống, cày cấy, canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tới khâu thu hoạch, bảo quản và tồn trữ và kể cả các chi tiết liên quan tới môi trường. Theo TS. Vọng, một số quốc gia Asean như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia hiện đã biên soạn quy trình GAP cho lĩnh vực sản xuất trái cây của riêng mình nhưng các quy trình này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu thuộc vùng ôn đới và có thị hiếu cũng như văn hóa ẩm thực khác với khu vực Asean. Do vậy mà Asean đã yêu cầu Chính phủ Úc biên soạn quy trình GAP cho các nước Asean, hay còn gọi là Asean GAP được công bố vào tháng 11 năm ngoái, trở thành quy trình GAP chính thức cho các thành viên Asean, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù ở Việt Nam hiện nay đã có một số chương trình, dự án được nước ngoài tài trợ để thực hiện quy trình GAP như “GAP cho cây thanh long” chẳng hạn, nhưng đó là những chương trình nhỏ lẻ cho từng nông sản riêng biệt mà chưa có một quy trình GAP có quy mô toàn ngành nông nghiệp được biên soạn. TS. Vọng khuyên Việt Nam nên xây dựng ngay chương trình Vietnam GAP (tạm gọi là VietGAP) để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế sạch, an toàn của mình trên thị trường thế giới và cho cả 80 triệu người tiêu dùng trong nước.

(*) Buổi nói chuyện “Nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập WTO và quy trình nông nghiệp an toàn GAP” do Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam (thuộc SGT Club) tổ chức ngày 2-5-2005.

Hồng Văn
(Theo KTSG)