Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

VietGAP cho nông sản

Ông Nguyễn Văn Kỳ, trước đây là lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam và giờ đây là Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit). Trong nhiều hội nghị, hội thảo liên quan tới trái cây, với kinh nghiệm bán trái cây ra thế giới trong hàng chục năm, ông hay nói tới bốn yếu tố cần có: số lượng lớn, ngon, rẻ và phải sạch. Còn bây giờ, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng ở Viện Nghiên cứu rau quả Gosford của Bộ Nông nghiệp bang New South Wales của Úc cho rằng bốn yếu tố mà ông Kỳ hay nói cũng chính là bốn thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập Tổ chúc Thương mại Thế giới (*).

Thách thức
Tiến sĩ Vọng lấy ví dụ từ kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu trái cây chính của Việt Nam nhiều năm qua, để khẳng định rằng các nhà xuất khẩu trái cây của Việt Nam cứ xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, thích hàng rẻ, chất lượng thấp là sai lầm. Từ thị trường xuất khẩu trái cây với 142 triệu đô la Mỹ vào năm 2001, sau đó giảm dần và tới năm 2005, Việt Nam chỉ xuất khẩu có 35 triệu đô la Mỹ trái cây sang Trung Quốc. Sở dĩ kim ngạch giảm do nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Vọng, cái quan trọng là thị trường Trung Quốc bây giờ thích hàng hiệu, mẫu mã đẹp, chất lượng cao và nhất là an toàn vệ sinh.

Là thành viên WTO, nông nghiệp Việt Nam, theo TS. Vọng, đang đứng trước bốn thách thức lớn. Đó là xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices) để cho ra nông sản sạch, hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất; hai là tập trung sản xuất hàng hóa lớn; ba là đảm bảo chất lượng cao và bổ dưỡng; và bốn là giá rẻ để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. TS. Vọng cho rằng GAP là chiếc chìa khóa thành công cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, bởi sản xuất theo quy trình GAP đã là hội tụ đủ ba thách thức còn lại.

Trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, rau hoa quả là mặt hàng lớn nhất của sân chơi WTO với thị trường tiêu thụ thế giới khoảng 103 tỉ đô la Mỹ hàng năm nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm 0,2% thị phần, một tỷ lệ quá nhỏ bé. Thị trường lúa gạo, cà phê, cao su nhỏ hơn với mỗi mặt hàng không quá 10 tỉ đô la Mỹ và Việt Nam đang chiếm 10-15% thị phần. Các loại nông sản khác như hạt điều, hồ tiêu càng nhỏ hơn. Nghịch lý ở chỗ, 74% diện tích canh tác và gần như phần lớn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào nông nghiệp chỉ để cho cây lúa, trong khi trái cây có thị trường rộng gấp 10 lần hạt gạo thì ít được đầu tư, diện tích chỉ chiếm chưa tới 15%, điều này đồng nghĩa nông nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là độc canh cây lúa.

Cần có VietGAP
Bốn thách thức mà TS. Vọng đã nói, ví như bốn luật chơi trên thị trường thế giới, trong đó ông nhấn mạnh tới “luật chơi về an toàn thực phẩm”. Nông sản phải có chứng chỉ “nông nghiệp an toàn”, hay “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” để chứng minh với nhà nhập khẩu và người tiêu dùng thế giới rằng hàng hóa của nông dân Việt Nam luôn “an toàn, vệ sinh”. Thực ra, nông dân trong nước đã vướng phải luật chơi này từ nhiều năm qua với các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. Đó là chuyện dư lượng kháng sinh trong thủy sản khi xuất khẩu vào EU diễn ra cách nay vài năm, giờ đây là Nhật Bản phải kiểm tra 100% lô hàng tôm sú đông lạnh của Việt Nam xuất vào nước này do phát hiện có dư lượng hóa chất, hay mới đây nhất, Úc tuyên bố sẽ kiểm tra nghiêm ngặt dịch bệnh trên tôm ở các nước xuất khẩu tôm nuôi vào thị trường này. Cốt lõi của những rắc rối trên đều xuất phát từ sản xuất chưa an toàn, manh mún, dùng nhiều hóa chất.

GAP thực ra không phải là khái niệm mới với các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam. Có thể hiểu đơn giản GAP là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A tới Z của cả quy trình sản xuất, bắt đầu từ khâu giống, cày cấy, canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tới khâu thu hoạch, bảo quản và tồn trữ và kể cả các chi tiết liên quan tới môi trường. Theo TS. Vọng, một số quốc gia Asean như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia hiện đã biên soạn quy trình GAP cho lĩnh vực sản xuất trái cây của riêng mình nhưng các quy trình này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu thuộc vùng ôn đới và có thị hiếu cũng như văn hóa ẩm thực khác với khu vực Asean. Do vậy mà Asean đã yêu cầu Chính phủ Úc biên soạn quy trình GAP cho các nước Asean, hay còn gọi là Asean GAP được công bố vào tháng 11 năm ngoái, trở thành quy trình GAP chính thức cho các thành viên Asean, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù ở Việt Nam hiện nay đã có một số chương trình, dự án được nước ngoài tài trợ để thực hiện quy trình GAP như “GAP cho cây thanh long” chẳng hạn, nhưng đó là những chương trình nhỏ lẻ cho từng nông sản riêng biệt mà chưa có một quy trình GAP có quy mô toàn ngành nông nghiệp được biên soạn. TS. Vọng khuyên Việt Nam nên xây dựng ngay chương trình Vietnam GAP (tạm gọi là VietGAP) để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế sạch, an toàn của mình trên thị trường thế giới và cho cả 80 triệu người tiêu dùng trong nước.

(*) Buổi nói chuyện “Nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập WTO và quy trình nông nghiệp an toàn GAP” do Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam (thuộc SGT Club) tổ chức ngày 2-5-2005.

Hồng Văn
(Theo KTSG)

Không có nhận xét nào: